A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trường Tiểu học Bãi Sậy trên con đường đổi mới

Trường Tiểu học Bãi Sậy trên con đường đổi mới

Xã Bãi Sậy nằm ở phía bắc của huyện Ân Thi. Phía bắc giáp xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Phía đông giáp các xã Thúc KhángThái Dương, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương (ranh giới tự nhiên là sông Kẻ Sặt). Phía nam giáp xã Thái Dương, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương và xã Tân Phúc, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.Phía tây giáp xã Bắc Sơn, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.

Bãi Sậy là địa phương có truyền thống lịch sử lâu đời, là mảnh đất địa linh nhân kiệt và giàu truyền thống cách mạng, nơi sinh ra nhiều người tài giỏi, xuất chúng, trong đó có Giáo sư, viện sĩ, nhà thơ, nhà sử học Phạm Huy Thông - người từng được mệnh danh là “Nam quốc kỳ nhân”. Phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, trong những năm qua, mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bãi Sậy luôn quan tâm và chăm lo đến sự nghiệp giáo dục.

Trường Tiểu học Bãi Sậy  được thành lập năm 1961. Trải qua hơn 50 năm trưởng thành và phát triển, phong trào giáo dục của nhà trường đã có nhiều đổi thay, lúc thăng, lúc trầm theo từng giai đoạn của lịch sử.

Khi mới được thành lập, Trường Tiểu học Bãi Sậy chỉ có ba lớp học, trường không có cơ sở riêng, phải học nhờ ở đình làng Nhân Đòng, đình làng Tiên Kiều và nhà thờ làng Đào Quạt. Những năm đầu mới thành lập, do cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên của nhà trường còn quá khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt, chương trình giảng dạy và sách giáo khoa còn nhiều hạn chế nên chất lượng giáo dục của trường những năm học này đạt ở mức trung bình của huyện.

Những năm học tiếp theo, cơ sở vật chất nhà trường dần dần được cải thiện, trường đã có cơ sở riêng tại thôn Nhân Đòng và một số địa điểm lẻ nằm rải rác ở các thôn Tiên Kiều, Đào Quạt, Đỗ Mỹ, Bối Khê ,Ấp Đòng và thôn Trại Giáo. Thời kỳ đó, nhiều giáo viên mới đào tạo, trẻ, khoẻ, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ được tăng cường thêm nên phong trào giáo dục của nhà trường có nhiều bước tiến đáng phấn khởi. Từ năm học 1966-1967 đến năm học 1973-1974, cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày càng khốc liệt, cả nước tăng cường chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, nhiều thầy giáo của trường lần lượt tòng quân đi đánh Mỹ như thầy Đào Hà Vĩ, thầy Lê Minh Chính, thầy Ngô Sơn Hải, thầy Phạm Huy Bộc, thầy Cương. Khi các thầy trở về với ngành giáo dục còn mang trên mình những thương tật do hậu quả của chiến tranh và thầy Phạm Huy Bộc đã chuyển hẳn sang công tác tại quân đội còn thày Đào Huy Cương đã anh dũng hy sinh ở chiến trường miền Nam. Chính vì thế, đội ngũ giáo viên của nhà trường luôn thay đổi. Do sự bất ổn về đội ngũ cán bộ, giáo viên và sự kiện giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế, chính trị và xã hội. Vì vậy, phong trào giáo dục của nhà trường cũng chịu ảnh hưởng chung và có xu hướng trầm lắng so với giai đoạn trước.

Sau chiến thắng 30 - 4 - 1975, nhiều thầy giáo rời quân ngũ trở lại quê hương tiếp tục sự nghiệp trồng người như thầy Chi, thầy Sơn, thầy Vĩ,....đội ngũ giáo viên của trường được bổ sung thêm cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương cũng dành nhiều sự quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục nên phong trào giáo dục của nhà trường ngày càng đi lên phát triển.

Năm học 1990-1991, Trường Tiểu học Bãi Sậy tách khỏi trường PTCS Bãi Sậy thành trường Tiểu học Bãi Sậy. Kể từ khi tách cấp đến nay nhà trường vẫn cố gắng phát huy truyền thống tốt đẹp của mình, nhiều năm liền nhà trường liên tục đạt danh hiệu Tập thể lao động Tiên tiến và Tập thể lao động Xuất sắc. Ngày 28 tháng 9 năm 2006, Trường Tiểu học Bãi Sậy đã vinh dự được công nhận là trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ I.

Ngày 20 tháng 12 năm 2016, trường được công nhận đạt tiêu chuẩn giáo dục cấp độ 2

Năm học 2018-2019, trường có tổng số 31 cán bộ giáo viên, nhân viên trong đó có 3 CBQL, 25 giáo viên với đầy đủ loại hình đào tạo trong đó 100% đều có trình độ trên chuẩn ( ĐH : 20; CĐ: 5 ), 3 nhân viên phụ trách thư viện – thiết bị; văn thư kế toán và y tế thủ quỹ. Trường có 649 học sinh chia thành 18 lớp với 20 phòng học . Bên cạnh đó, nhà trường còn 9 phòng chức năng hoạt động hiệu quả phục vụ tốt cho công tác quản lý và dạy học của nhà trường. Trong nhiều năm học qua, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường luôn quyết tâm phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, phát huy sức mạnh tập thể và truyền thống tốt đẹp của địa phương, của nhà trường, đoàn kết, nhất trí xây dựng phong trào giáo dục của nhà trường ngày càng phát triển và đạt nhiều thành tích xuất sắc. Nhà trường là địa chỉ tin cậy về chất lượng giáo dục. Chất lượng giáo dục nhà trường không ngừng được nâng cao, có uy tín với nhân dân trong xã .


Tác giả: Nguyễn Hồng Phúc
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết