A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Di tích lịch sử Đình làng Tiên Kiều

Đình làng Tiên Kiều là di tích lịch sử cấp quốc gia

DI TÍCH LỊCH SỬ ĐÌNH  LÀNG TIÊN KIỀU XÃ BÃI SẬY HUYỆN ÂN THI TỈNH HƯNG YÊN

 

Đình làng Tiên Kiều được xây dựng lần đầu tiên ở bên bờ sông Cửu An, sau đó do có sự đe dọa của thiên nhiên nên dân làng đã chuyển đình về giữa làng như hiện nay.

Đình làng Tiên Kiều là nơi dân làng thờ vị “ Tiền đạo tướng quân. Đô chỉ huy sứ, Điện tiền phụ chính. Đức Đại Vương, Đương cảnh thành hoàng Tín Yết, cùng với Hoàng Thái hậu Tạ Thị Phương Dong và Hoàng hậu Triệu Thị Thuận Chinh của Ngài.

Đình làng cũng là nơi trong kháng chiến chống xâm lược, dân làng sử dụng hội họp bí mật của các tổ chức Việt Minh. Du kích tập trung để bàn việc chống càn và đi phá bốt giặc.

Đặc biệt đình là trụ sở để chi bộ Đảng cộng sản liên xã họp thời kỳ đầu mới thành lập.

Đình còn là nơi chứa thóc để từ đây đưa thóc đi đóng góp với cả nước chi viện kịp thời cho miền nam trong kháng chiến chống Mỹ.

Cậu bé Tín Yết được sinh ra ngày 06 tháng giêng năm Nhâm Ngọ (22) đầu công nguyên tại khu lăng trước cửa Đại Bi Tự tức chùa Tiên Kiều ngày nay.

Hai mẹ con đã được sự cưu mang đùm bọc của nhà chùa. Tục truyền cậu bé Tin Yết tướng mạo khôi ngô, nhanh nhẹn, lanh lợi. Khi trưởng thành thì văn hay võ giỏi, sáng dạ thông minh, có tố chất hơn người.

Năm 40 cậu thanh niên Tín Yết tròn 18 tuổi trong nước đang có giặc Tô Định phương bắc hoành hành. Anh hay tin Hai Bà Trưng chiêu binh mộ tướng, đã bái yết mẹ cùng Phật tổ xin gia nhập nghĩa quân cứu nước.

Trong cuộc chiến đấu ác liệt, ông đã lập được nhiều chiến công. Chính vì vậy, ngoài mặt trận ông đã được Hai Bà Trưng phong chức “ Đô chỉ huy sứ Tiền đạo tướng quân”. Diệt xong quân xâm lược Tô Định, đất nước thái bình, kinh đô đóng ở Mê Linh, Ông lại được phong“ Điện tiền phụ Chính” .

Ba năm giữ chức trong triều đình, khi đã có điều kiện ông trở lại quê hương Chùa Kiều thăm và cảm ơn những người đã có công nuôi dạy khi xưa và xin phép nhà Chùa được đón mẹ về Kinh đô cho tiện bề chăm lo phụng dưỡng. Tại triều đình Mê Linh Tướng quân dã kết duyên cùng bà Triệu Thị Thuận Chinh .

Hoà bình đến với quân và dân ta chưa được bao lâu, Hai Bà Trưng chưa kịp khôi phục kinh tế, quân sự còn non yếu thì Mã Viện lại tổ chức quân lớn hơn ồ ạt kéo sang nước ta xâm chiếm. Tướng quân đã cùng nghĩa quân Hai Bà Trưng kiên cường dũng cảm chiến đấu không sợ hy sinh, vua tôi một lòng quyết tâm giữ gìn non sông đất nước. Trong cuộc chiến không cân sức cuối cùng Hai Bà Trưng đã anh dũng hy sinh tại sông Hát Môn (Vĩnh Phúc ngày nay).

Để giữ trọn khí tiết Tướng quân Tín Yết đưa mẹ và vợ về quê nhà và cả gia đình đã tuẫn tiết tại sông Cửu An ngày 12 tháng 9 năm Giáp Thìn (44)

Đời đời ghi nhớ công ơn và đất nước tôn vinh vị “ Đô chỉ huy sứ. Tiền đạo tướng quân, Điện tiền phụ chính “ Tín Yết, các triều nhà Trần, nhà Hậu Lê, nhà Nguyễn đã truy phong:

1. Phong “ Đương cảnh thành hoàng ” làng Tiên Kiều

2. Phong chức vị “ Đại vương cho tướng quân”

3. Phong chức vị “ Hoàng Thái Hậu ”cho bà Tạ Thị Phương Dong là Mẫu thân của Người.

4. Phong chức vị “ Hoàng Hậu ”cho bà Triệu Thị Thuận Chinh là phu nhân của Người.

Tổng số 12 lần sắc phong, ngoài việc phong chức danh cao quý, kèm theo còn có nhiều lời ca ngợi, tôn vinh vị tướng quên mình xung trận đánh đuổi kẻ thù đem lại tự do độc lập cho dân tộc mình.

Lần phong gần đây nhất là quyết định cấp bằng di tích lịch sử văn hóa do Bộ Văn hóa của Nhà Nước CHXHCN Việt Nam cấp số 141/QĐVH ngày 9 tháng 2 năm 1997 cho đình làng Tiên Kiều.

Kính thưa toàn thể nhân dân!

Phát huy truyền thống hào hùng, nhiều đời sau, nhân dân thôn nhà đã góp công góp của cùng nhân dân cả nước kiên cường dũng cảm không chịu khuất phục bất cứ thế lực xâm lược nào dù quân hùng tướng mạnh đến đâu, mỗi khi chúng dám đến đất này.

Những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp làng Kiều có cha con cụ Lãnh Khuy con gái là bà Đốc Huệ đều là các tướng giỏi của nghĩa quân Bãi Sậy- Chủ tướng là Nguyễn Thiện Thuật.

Tiếp bước thánh làng, tiếp bước cha ông, nhân dân thôn nhà đã lần lượt cử hàng trăm lượt thanh niên trai tráng lên đường đánh thực dân Pháp, đế quốc Mỹ trong hai cuộc kháng chiến thần thánh kéo dài ngót nửa thế kỷ qua. Kết thúc chiến tranh ác liệt, làng Kiều đã cống hiến 38 người con ưu tú được Đảng, nhà nước CHXHCN Việt Nam tôn vinh là liệt sĩ. Trong đó có 6 mẹ có hai con là liệt sĩ, được Đảng Nhà nước tuyên dương là mẹ Việt Nam anh hùng đợt 2014.

1. Mẹ Việt Nam anh hùng Nhữ Thị Hộ, hai con liệt sĩ là: Đinh Văn Sứ và Đinh Văn Phu.

2. Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tý, hai con liệt sĩ: Nhữ Văn Bưng và Nhữ Thanh Bang

3. Mẹ Việt Nam anh hùng Cao Thị………hai con liệt sĩ là: Đinh Văn Cừ và Đinh Văn Nhạc

4. Mẹ Việt Nam anh hùng Nhữ Thị Y hai con liệt sĩ là: Đinh Văn Hàm và Đinh Văn Lợi.

5. Mẹ Việt Nam anh hùng Vũ Thị Tẹo hai con liệt sĩ là: Nhữ Đình Thi và Nhữ Văn Thủy

6. Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Sâm hai con liệt sĩ là: Vũ Văn Cương và Vũ Văn Thường.

Theo con đường cách mạng của Đảng và bác Hồ đã vạch ra, ngọn đuốc sáng chói của Đảng đã quét đi đêm dài nô lệ. Dân ta có độc lập tự do, cuộc sống tươi đẹp đến với mọi nhà: Ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Ngày càng có nhiều lớp trẻ học tập tiến bộ, giỏi giang đã có nhiều cháu đỗ đại học, có bằng cử nhân kĩ sư, một vài cháu có bằng thạc sĩ, tiến sĩ ở một số lĩnh vực khoa học, kinh tế …. Đó là niềm kiêu hãnh của cả làng, sự tiến bộ vượt bậc mà nhiều đời đã qua không dám mơ tới.

Vinh quang này mãi mãi thuộc về Đức thánh đại vương và những người con ưu tú, những người con anh hùng của làng, đã làm cho con cháu làng Tiên Kiều đời nọ nối tiếp đời kia luôn tự hào với làng quê mình. Chúng ta hứa với Ngài luôn đoàn kết thương yêu nhau và vươn lên không ngừng.

 

 


Tác giả: Phan Thị Tĩnh
Nguồn:Sưu tầm Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết